Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ, không khó để tìm “ví dụ điển hình” cho tình trạng lãng phí trên từng lĩnh vực, đặc biệt là lãng phí thời gian, lãng phí niềm tin, lãng phí cơ hội phát triển. Cùng với tham nhũng, lãng phí đã trở thành lực cản trên con đường phát triển của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu vấn đề, chống lãng phí là nội dung không mới nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực. Đại biểu ví dụ về các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, hay hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống, hoặc các công trình, dự án xây dựng hàng chục năm chưa xong... “Lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, đất nước... thì không đo đếm hết, và trên hết, đó là lãng phí niềm tin của nhân dân", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đề cập đến vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền. Dẫn chứng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, đây là thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội.
Đề cập một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa là do một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay, họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời, một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước không hiệu quả, nhưng trên thực tế có lãng phí về cơ hội và thời gian. “Một chuyên gia nước ngoài đã nhận định, lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: Thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ gây lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa bày tỏ.
Lãng phí, xét cho cùng đã gây thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Người chỉ rõ: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Những tác hại, hậu quả trước mắt và lâu dài của “căn bệnh” lãng phí rõ ràng ai cũng có thể nhìn thấy. Nhưng làm thế nào để tiết kiệm, chống lãng phí trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân? Trước hết, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất, nhất là đưa ra những chế tài nghiêm khắc, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức là điều cốt lõi để mỗi cá nhân đều hiểu rõ: Chống lãng phí là chuyện lớn nhưng không phải là điều cao xa, hoàn toàn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể trong lối sống hằng ngày, như tiết kiệm thực phẩm, điện năng, nước uống, sắp xếp thời gian làm việc khoa học, hiệu quả... từ đó hình thành văn hóa tiết kiệm trong gia đình, trường học, công sở, doanh nghiệp, lan tỏa ra toàn xã hội./.
Báo QĐND